Góc nhìn về chiến lược Chuyển đổi số cho thành phố Hà Nội
Cập nhật: 29 / 12 / 2023
Với xu hướng đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số là xu hướng lớn, mang tính không thể đảo ngược, địa phương nào kịp thời nắm bắt, đi nhanh, đi trước sẽ tạo động lực lớn phát triển kinh tế - xã hội.
Góc nhìn về chiến lược Chuyển đổi số cho thành phố Hà Nội

Ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam

Vì vậy để tiếp tục khai thác hiệu quả, kế thừa và phát triển các kết quả, thành tựu đã đạt được của các chương trình đầu tư ứng dụng CNTT trong thời gian qua; đồng thời xác định cuộc CMCN 4.0 là cơ hội, động lực để Thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử, đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng chuyển đổi sang nền kinh tế số, hướng đến đô thị thông minh, việc đầu tư phát triển ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết. Bài viết nhằm đưa ra các giải pháp và khuyến nghị đề xuất cho Hà Nội chuyển đổi số theo định hướng bám sát và tận dụng các nền tảng số quốc gia sẵn có để tạo hạ tầng mềm, hoạt động đồng bộ, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số nhanh và hiệu quả, phát huy được sức mạnh tổng thể, tránh việc triển khai phân tán, rời rạc, sử dụng trùng lặp nhiều giải pháp khác nhau. Điểm đặc biệt của đề xuất này là ở nội dung chuyển đổi số cho TP Hà Nội trên 2 chủ đề nổi bật gắn liền với danh hiệu “Thành Phố vì hòa bình ” và “Thành phố sáng tạo ”.

1. Đặt vấn đề

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính Trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 17/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP mục đích tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách đã được đề ra trong Nghị quyết số 52-NQ/TW đồng thời xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cụ thể để Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 52 -NQ/TW.

Để thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và chính phủ ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Thành Phố Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước đã nhận thức và có những hành động cụ thể trong công cuộc chuyển đổi số. Cụ thể TP đã ban hành Quyết định số 4098/QĐ-UBND ngày 06 tháng 09 năm 2021 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với chủ trương các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phải phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đảm bảo việc chuyển đổi số đem lại bình đẳng và lợi ích cho tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm khi thực hiện Chương trình Chuyển đổi số. Ưu tiên chuyển đổi số vào những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong rất nhiều bài toán và nội dung cần để thực hiện CĐS thành công, thì thiết yếu phải phân tích và khuyến nghị, chọn ra ra cho Hà Nội điểm khác biệt, hướng đi riêng làm trọng tâm và nổi bật hình ảnh bản sắc của Hà Nội trên con đường Chuyển đổi số thành công, trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại” với chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo.

2. Điểm lại một số thuật ngữ

Công nghệ đang ngày đóng vai trò lớn trong cuộc sống đang phát triển một cách bùng nổ ở mọi khía cạnh trong cuộc sống. Song song với quá trình phát triển đó là các thuật ngữ mới liên tục được ra đời. Để có thể thực hiện được quá trình chuyển đổi số một cách đúng đắn thì chúng ta cần phải hiểu rõ sự khác nhau giữa một số khái niệm trong cùng không gian của sự việc.

Số hoá: Số hóa là quá trình chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số trong đó thông tin được tổ chức thành các bit và byte. Giống như quét một bức ảnh hoặc chuyển đổi một báo cáo giấy thành PDF. Dữ liệu không bị thay đổi - nó chỉ đơn giản được mã hóa theo định dạng kỹ thuật số.

Tin học hóa (Ứng dụng công nghệ thông tin): Là việc số hóa quy trình nghiệp vụ đã có trong các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và các hoạt động khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các hoạt động này. Thông thường, tin học hóa không làm thay đổi quy trình đã có hoặc mô hình hoạt động đã có. Khi tin học hóa ở mức cao, dẫn đến thay đổi quy trình hoặc thay đổi mô hình hoạt động, thì dần tiến tới chuyển đổi số.

Chuyển đổi số: Là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

* Các công việc chính của chuyển đổi số có thể kể đến như sau:

  • Ý Chí: Truyền thông để thay đổi tư tưởng, thay đổi nhận thức của lãnh đạo cũng như toàn bộ cán bộ, người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Ý chí của lãnh đạo là vô cùng quan trọng trong sự thành công chuyển đổi số của tổ chức. Ý chí phải “Kiên định, mạnh mẽ, quyết tâm, vượt qua”.

  • Kiến Trúc: Lên được kiến trúc tổng thể toàn bộ quy trình nghiệp vụ, các bài toàn phải xử lý, các thành phần tham gia của tổ chức trên môi trường số. Từ đó chúng ta có kế hoạch triển khai từng phần mà luôn đảm bảo kiến trúc tổng thể xuyên suốt. Kiến trúc phải đảm bảo “Đẩy đủ, tinh gọn, hiện đại, bên vững”.

  • Thể chế: Kiện toàn thể chế, văn bản pháp luật để hỗ trợ các quy trình nghiệp vụ mới, các làm việc mới, cách sống mới. Khi các quy trình mới được ra đời, cách làm việc mới, phối hợp mới được thực hiện thì thể chế cũng cần được thay đổi để đảm bảo chúng ta luôn làm đúng với quy định của luật pháp của đảng và nhà nước. Các văn bản pháp luật mới ra đời phải đáp ứng “Dễ hiểu, thúc đẩy, thực tiễn, sâu sắc”.

  • Hạ Tầng: Trang bị hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, đường truyền mới đáp ứng mô hình mới. Quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra vô cùng lớn các ứng dụng phần mềm để làm môi trường cho con người tương tác với nhau, cho việc phân tích dữ liệu và xử lý, cho việc khai thác và báo cáo.... từ đó cần phải có hạ tầng tưng xứng với sự phát triển đó, không có sự tắc nghẽ, chậm chễ do thiếu hạ tầng gây ra. Hạ tầng luôn phải đảm bảo “Hiện đại, mạnh mẽ, ổn định, an toàn”.

  • Dữ liệu: Số hoá toàn bộ dữ liệu của đơn vị đang có từ bản cứng đang có cho vào máy. đồng thời trang bị phương tiện số hóa toàn diện mọi văn bản, hồ sơ phát sinh trong tương lai. Muốn chuyển đổi số toàn diện thì chúng ta phải tối đa hóa việc lưu trữ dữ liệu lên môi trường số, từ đó dữ liệu luôn được phân tích. luôn được khai tác một cách nhanh tróng. Vì dữ liệu là đầu vào của mọi hệ thống phần mềm, của mọi tổ chức, của mọi hệ thống tính toán. Dữ liệu luôn phải đảm bảo “Đúng đủ sạch sống”.

  • Phần mềm: Trang bị các hệ thống phần mềm phục vụ các quy trình nghiệp vụ, các bài toán phải xử lý mới. Các phần mềm nhập liệu, phần mềm xử lý nghiệp vụ, phần mềm phân tích dữ liệu, phần mềm khai thác dữ liệu, phần mềm tổng hợp báo cáo, phần mềm kết nối liên thông. Phần mềm luôn đảm bảo “Thông minh, hiêu năng, bảo mật, mở rộng”.

  • Đào Tạo: Đào tạo cho toàn bộ lãnh đạo, cán bộ, doanh nghiệp. người dân tham gia vận hành sản phẩm của quá trình “Chuyển đổi số” để giải quyết các vấn đề của xã hội, của người dân, của doanh nghiệp, của các cơ quan ban ngành nhà nước một cách thành thạo nhất: Khi các quy trình mới, sản phẩm mới ra đời thì mọi người tham gia đều phải được đào tạo thấu hiểu về cách thức vận hành các sản phẩm và quy trình đó. Để luôn mang lại trải nghiệm cho người dùng sử dụng đúng đắn và hiệu quả nhất. Đào tạo phải đáp ứng “Kịp thời, dễ học, đúng người, dùng lại”.

* Các quy mô chuyển đổi số cần chú ý

  • Chuyển đổi số quốc gia: Tầm vĩ mô xác định chiến lược chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, mọi cơ quan nhà nước, cho doanh nghiệp, cho toàn dân, xây dựng quốc gia số, doanh nghiệp số, công dân số.

  • Chuyển đổi số tỉnh/thành phố: Quy mô xác định chiến lược chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, mọi sở ban ngành trực thuộc, cho doanh nghiệp, cho toàn dân, xây dựng thành phố số, doanh nghiệp số, công dân số.

  • Chuyển đổi số Bộ, ngành: Các Bộ, ngành vận dụng trí tuệ và nguồn lực để thay đổi quy trình, phương thức làm việc, đầu tư máy móc, công nghệ, phần mềm, dữ liệu, đào tạo cán Bộ để mọi quy trình được vận hành trên môi trường số giúp người dân, doanh nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương có thể tương tác và sử dụng dữ liệu của nhau thông qua môi trường số.

  • Chuyển đổi số cho doanh nghiệp: các doanh nghiệp vận dụng trí tuệ và nguồn lực để thay đổi mô hình, nhân sự, máy móc, công nghệ, phần mềm, và từng bước đầu tư để hoàn thiện thành doanh nghiệp chuyển đổi số.

  • Chuyển đổi số toàn dân: Từng người dân áp dụng các nền tảng vào làm thay đổi quy trình làm việc hằng ngày của mình để tăng tốc độ xử lý công việc trao đổi thông tin nhanh chóng.

3. Chiến lược chuyển đổi số của Thành phố Hà Nội (theo chủ trương tại QĐ 4098/QĐ-uBnD)

Để chuyển đổi số thành phố mang lại giá trị lớn và tổng thể toàn diện cho toàn bộ nhân dân thủ đô, doanh nghiệp thủ đô, các cơ quan ban ngành thì chúng ta cần phải chung tay thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia với sự nhấn mạnh theo các đặc thù của các cơ quan ban ngành của thành phố, doanh nghiệp và nhân dân thủ đô.

Thành phố Hà Nội xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số với 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp tương ứng gồm: 1) Chuyển đổi nhận thức, 2) Kiến tạo thể chế, 3) Phát triển Hạ tầng và nền tảng số, 4) Thông tin và Dữ liệu số, 5) Hoạt động chuyển đổi số, 6) An toàn, an ninh mạng, 7) Đào tạo và phát triển nhân lực, cụ thể:

3.1. Chuyển đổi nhận thức
  • Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về xây dựng Chính quyền số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách.

  • Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính quyền số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

  • Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và Thành phố về Chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số.

3.2. Kiến tạo thể chế
  • Ban Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

  • Kiện toàn Ban chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, bổ sung chức năng, nhiệm vụ về chuyển đổi số. Bổ sung chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức về chuyển đổi số cho Sở Thông tin và Truyền thông.

  • Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, thẩm quyền của Thành phố đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình phát triển Chính quyền số.

  • Rà soát, ban hành các chính sách, quy định khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ Chính phủ số theo hướng dẫn.

  • Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn Thành phố phát triển các giải pháp công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR). Có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ manh các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và khuyến khích các doanh nghiệp lớn, truyền thông đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ này vào hoạt động sản xuất, thương mại; Xây dựng hệ thống điện toán có năng lực đủ mạnh để xử lý, phân tích dữ liệu, huy động được sự tham gia của cộng đồng, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác phục vụ phát triển hệ sinh thái sản phẩm sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

  • Tích cực tham gia các tổ chức quốc tế (Tổ chức các thành phổ thông minh thế giới - WEGO, Mạng lưới các thành phố thông minh bền vững ASEAN - ASCN) và chủ trì, dẫn dắt triển khai một số sáng kiến về chuyển đổi số.

3.3. Phát triển Hạ tầng và nền tảng số
  • Phát triển hạ tầng mạng đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền số của Thành phố, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

  • Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của Thành phố, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số. Hoàn thành chuyển đổi sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (Ipv6).

  • Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ điện toán đám mây (Cloud) với các mô hình triển khai và các loại hình dịch vụ cung cấp trên đám mây khác nhau, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước của Thành phố.

  • Hình thành Trung tâm điều hành thông minh của thành phố Hà Nội. Phát triển Trung tâm dữ liệu chính, Trung tâm dữ liệu dự phòng, hướng tới hình thành trung tâm tích hợp dữ liệu dùng chung của Thành phố.

  • Phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi, chuyên ngành của Thành phố và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài.

  • Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính quyền số gắn kết với phát triển Thành phố thông minh để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số.

  • Tất cả các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông, đô thị, xây dựng phải có nội dung nghiên cứu, phân tích để xem xét, bổ sung hạng mục ứng dụng, kết nối mạng IoT, tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số. Các nội dung phát triển hạ tầng IoT phải bảo đảm hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng chung, tránh đầu tư trùng lặp.

  • Trang bị, nâng cấp máy tính, các thiết bị đầu cuối phục vụ kịp thời các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước của Thành phố ở các cấp.

  • Thúc đẩy, hỗ trợ cơ quan nhà nước chuyển đổi IPv6; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT, kết nối Internet, cổng thông tin điện tử các cơ quan nhà nước, Cổng dịch vụ công trực tuyến Thành phố thống nhất, đồng bộ, hiện đại để đảm bảo an toàn thông tin, phát triển hạ tầng số, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ cơ quan nhà nước qua IPv6.

  • Xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư phát triển các hệ thống này.

3.4. Thông tin và Dữ liệu số
  • - Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu cốt lõi, chuyên ngành của Thành phố với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; chia sẻ, tích hợp dữ liệu chuyên ngành của Thành phố trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Thành phố và mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật. Hình thành bản đồ số mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

  • Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố trên cơ sở vừa cung cấp dữ liệu phục vụ công tác điều hành, quản lý và dự báo, cũng như khai thác trực tiếp để xây dựng các ứng dụng mới.

  • Hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử của Thành phố để lưu trữ dữ liệu điện tử của các công dân, tổ chức khi thực hiện các giao dịch trực tuyến với các cơ quan nhà nước.

  • Đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu đảm bảo đồng bộ với việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

  • Gắn kết các dịch vụ cung cấp cho Thành phố thông minh với các dịch vụ Chính quyền số; coi các dịch vụ cung cấp cho Thành phổ thông minh là nền tảng phục vụ người dân, đồng thời cung cấp nguồn dữ liệu cho các cơ quan nhà nước ra quyết định dựa trên dữ liệu, cung cấp các dịch vụ hành chính công tốt hơn. Hình thành các hệ thống tích hợp dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng các công nghệ số mới để phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu, làm cơ sở để chia sẻ, tích hợp dữ liệu với Trung tâm điều hành thông minh của Thành phố.

3.5. Hoạt động chuyển đổi số
  • Nâng cấp, phát triển hoàn thiện các ứng dụng phục vụ hoạt động điều hành nội bộ các cơ quan nhà nước như: Hệ thống thư điện tử; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung của Thành phố; Hệ thống thông tin báo cáo của Thành phố; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ tại Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố;...

  • Phát triển các ứng dụng, dịch vụ nghiệp vụ; chuyên ngành phục vụ nội bộ các cơ quan nhà nước của Thành phố tại các cấp và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin trong và ngoài Thành phố theo nhu cầu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố (LGSP), các hệ thống ra quyết định phải dựa trên dữ liệu.

  • Tăng cường áp dụng công nghệ mới nhất về phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) để thực hiện chuyển đổi số toàn diện các mặt công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước Thành phố.

  • Tập trung duy trì, phát triển một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng gồm: Đất đai, dân cư, đăng ký doanh nghiệp, công chức - viên chức, tài chính, bảo hiểm, hộ tịch, thông tin quy hoạch, an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, y tế,...

  • Triển khai Trung tâm Điều hành thông minh, đô thị thông minh thành phố Hà Nội; lựa chọn các quận, huyện điển hình của Thành phố để triển khai thử nghiệm, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền điện tử. Xác định mô hình triển khai thành công để phổ biến, nhân rộng trên địa bàn Thành phố. Triển khai đô thị thông minh.

  • Phát triển các dịch vụ Thành phố thông minh phù hợp điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế; ưu tiên phát triển trước các dịch vụ giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội tại các đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch, phát triển y tế, phát triển giáo dục, quản lý trật tự xây dựng và phải bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Triển khai Thành phổ thông minh tuân thủ Khung tham chiếu ICT, Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh.

  • Triển khai các hệ thống làm việc từ xa theo hướng thuê dịch vụ nhằm đa dạng hóa các hình thức làm việc phù hợp với các cấp độ, đối tượng, khác nhau, bảo đảm kế thừa, kết nối với các hệ thống thông tin của quốc gia, của Thành phố đã được xây dựng.

3.6. An toàn, an ninh mạng
  • Triển khai hệ thống xác định, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng và kịp thời xử lý, gỡ bỏ. Yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và nền tảng số trên địa bàn Thành phố có sứ mệnh bảo đảm thông tin đáng tin cậy, an toàn, lành mạnh, phát triển hệ thống nền tảng, hạ tầng, mạng lưới gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng, có khả năng tự sàng lọc, phát hiện tấn công, bảo vệ ở mức cơ bản.

  • Triển khai, nâng cấp và duy trì bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp (Kiện toàn lực lượng tại chỗ; Lựa chọn tối thiểu một tổ chức, doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; Định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá độc lập; Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia) theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức.

  • Tập trung phát triển Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của Thành phố và kết nối và chia sẻ thông tin với Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia, Hệ thống an ninh mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan.

  • Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước của Thành phố về an ninh, an toàn thông tin mạng và tính riêng tư trên mạng.

  • Tăng cường hợp tác với các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp lớn trong nước và trên thế giới nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ mới về an toàn, an ninh thông tin đối với các hệ thống thông tin hiện có của Thành phố.

3.7. Đào tạo và phát triển nhân lực
  • Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan nhà nước của Thành phố.

  • Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước của Thành phố. Ưu tiên triển khai đào tạo, tập huấn thông qua các nền tảng dạy/học trực tuyến.

4. Các bài toán cấp thiết chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên

 

4.1 Thành lập Tổ chuyển đổi số cho mỗi sở, mỗi quận/huyện
  • Số lượng thành viên tại sở, quận/huyện khoảng 5 người thuộc đơn vị, cùng các thành viên thuộc các sở ban ngành khác như Bộ chủ quản, sở Thông tin và Truyền thông, sở tài chính, sở kế hoạch và đầu tư.

  • Có một tổ trưởng và 2 tổ phó về chuyên môn và kế hoạch tài chính.

  • Thực hiện các nhiệm vụ được lãnh đạo đơn vị giao để triển khai chuyển đổi số toàn diện từng nhiệm vụ cụ thể của đơn vị cũng như các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực hoặc địa bàn mình quản lý.

  • Xây dựng khung kiến trúc tổng thể của mọi lĩnh vực, mọi vấn đề liên quan đến đơn vị.

  • Thực hiện xác định các thông tin quản lý, các chỉ tiêu đầu vào đầu ra, tần xuất cập nhật dữ liệu của các phòng ban, các đơn vị và các đối tượng liên quan lĩnh vực quản lý của đơn vị.

  • Xác định các chỉ tiêu đầu ra để phục vụ nhu cầu quản lý của đơn vị cũng như để đồng bộ tới cơ sở dữ liệu của thành phố.

  • Đưa ra các nhiệm vụ phân tích, khai thác dữ liệu của đơn vị từ đó ứng dụng ngược lại phục vụ phòng ban, các đơn vị và các đối tượng liên quan cũng như của đơn vị.

  • Lập đề án tổng thể chuyển đổi số của đơn vị, làm việc với các cơ quan ban ngành liên quan.

  • Lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ cụ thể hàng năm.

  • Xây dựng trung tâm điều hành thông minh (IOC): Với mỗi sở, mỗi quận/huyện xây dựng nền tảng quản trị thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành của thành phố, kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ chủ quản và cơ sở dữ liệu chung của Thành phố. Hỗ trợ quản lý, phân tích, thống kê và điều hành lĩnh vực được giao.

  • Số hóa dữ liệu sẵn có: Tập trung nguồn lực số hóa các dữ liệu chuyên ngành; đồng thời chuẩn hóa dữ liệu để tích hợp, kết nối, chia sẻ với Kho dữ liệu của thành phố phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố.

  • Quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống của đơn vị trong suốt quá trình vòng đời của các sản phẩm.

4.2 Sở Thông tin và Truyền thông

- Thành lập trung tâm chuyển đổi số thành phố: Quản lý, lưu trữ dữ liệu, tích hợp, phân tích, khai thác, điều hành và kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như các Bộ, ngành, địa phương liên quan với các nhiệm vụ cụ thể sau:

  • Xây dựng và thành lập bộ máy, nhân sự và chức năng nhiệm vụ của Trung tâm. Trung tâm cần thu hút nhân tài, trang bị trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất.

  • Xây dựng khung kiến trúc tổng thể của mọi lĩnh vực, mọi vấn đề liên quan đến thành phố.

  • Thực hiện xác định các thông tin quản lý, các chỉ tiêu đầu vào đầu ra, tần xuất cập nhật dữ liệu của các phòng ban, sở, ban, ngành, quận, huyện và các đối tượng liên quan lĩnh vực quản lý của thành phố.

  • Xác định các chỉ tiêu đầu ra để phục vụ nhu cầu quản lý của thành phố cũng như để đồng bộ tới cơ sở dữ liệu quốc gia.

  • Đưa ra các nhiệm vụ phân tích, khai thác dữ liệu của toàn thành phố từ đó ứng dụng ngược lại phục vụ các sở, ban ngành, quận, huyện cũng như quốc gia.

  • Xác lập hệ thống đường truyền xuyên suốt từ trung tâm tới các sở, ban ngành, quận, huyện cho tới xã, phường. Và thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông xuyên suốt tới từng người dân.

  • Xây dựng hạ tầng, phần mềm xử lý, lưu trữ, phân tích, khai thác và kết nối chia sẻ dữ liệu của toàn bộ thành phố bao gồm các dữ liệu các sở ban ngành, các quận huyện, các doanh nghiệp, toàn bộ công dân thành phố, toàn bộ giao dịch kinh tế xã hội. Chuẩn hóa xác thực tập trung (SSO), chuẩn hóa tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP).

  • Xây dựng hệ thống điều hành giám sát an ninh mạng SOC thành phố.

  • Xây dựng trung tâm điều hành thông minh (IOC): Xây dựng nền tảng quản trị thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của thành phố, kết nối với cơ sở dữ liệu của các Bộ ngành liên qua và cơ sở dữ liệu chung của quốc gia. Hỗ trợ quản lý, phân tích, thống kê và điều hành lĩnh vực mọi lĩnh vực của thành phố.

  • Truyền thông nội bộ cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước, cho doanh nghiệp cũng như cho toàn công dân thành phố.

  • Triển khai cuộc thi sáng kiến phát triển ứng dụng khai thác dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.

  • Tổ chức đào tạo, tập huấn an ninh, an toàn, bảo mật thông tin cho người sử dụng cuối.

  • Triển khai tuyên chuyển chính sách, hỗ trợ pháp lý qua ứng dụng VneID cũng như cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng ứng dụng này.

  • Triển khai nền tảng đào tạo, giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) trên toàn quốc để nâng cao nhận thức, hỗ trợ triển khai Đề án 06/CP cho các cán bộ, công chức, viên chức, giảm chi phí đào tạo truyền thống.

  • Lập đề án tổng thể chuyển đổi số của thành phố, làm việc với các cơ quan ban ngành liên quan.

  • Lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ cụ thể hàng năm.

  • Quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống của đơn vị trong suốt quá trình vòng đời của các sản phẩm.

4.3 Sở Giáo dục và Đào tạo
  • Hệ thống Blended Learning: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa kết hợp giữa học trực tuyến và học trực tiếp, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình, ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà, học tại nhà, thị tại nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh, sinh viên trước khi đến lớp học.

  • Hệ thống quản lý nội dung học tập qua mạng (LCMS - Learning Content Management System): là hệ thống phần mềm quản lý kho nội dung học tập qua mạng, cho phép tổ chức lưu trữ và phân phát các nội dung học tập tới người học. Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

  • Hệ thống MOOCS: Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOCS) cho tất cả người dân nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số. Phổ cập việc học, thi trực tuyến; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; phát triển các doanh nghiệp công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa.

  • Phát triển một Hệ tri thức phổ thông: (tương tự Wikipedia với nội dung là các kiến thức phổ thông liên tục được cập nhật, chỉnh lý cùng với kho học liệu mở bao gồm cả học liệu đa phương tiện) với sự tham gia đóng góp của đội ngũ giáo viên, các nhà trí thức. Hệ tri thức này là cơ sở để triển khai giáo dục suốt đời cho mọi cư dân Thủ đô bao gồm cả học sinh phổ thông các cấp. Qua Hệ tri thức phổ thông, học sinh, sinh viên và người dân có thể tìm kiếm các kiến thức cần thiết cho việc học tập và công việc của mình cũng như đóng góp ý kiến để hoàn thiện bản thân Hệ tri thức.

  • Mạng giáo dục mở Hà Nội: Phát triển Mạng giáo dục mở Hà Nội trên cơ sở mở rộng và nâng cấp Hệ thống quản lý ngành giáo dục điện tử hiện có cho phép kết nối hiệu quả học sinh - giáo viên - phụ huynh - các cơ sở giáo dục, đào tạo - các nhà quản lý giáo dục trong một môi trường học thuật và sư phạm, kết nối với Hệ tri thức phổ thông, bổ sung các tính năng phân tích dữ liệu nhằm cung cấp thông tin chiều sâu phục vụ cho việc đề ra các biện pháp cải cách giáo dục; đồng thời kết nối các thành phần xã hội khác có khả năng cung cấp các dịch vụ giáo dục đào tạo với những người có nhu cầu được đào tạo, kết nối học sinh thành các tổ nhóm học tập khác nhau, kết nối phụ huynh học sinh cùng lớp cùng trường để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội cha mẹ học sinh.

  • Giáo dục STEM/STEAM: Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật(giáo dục STEM/STEAM).

  • Xây dựng các cở sở dữ liệu: Xây dựng các CSDL Mầm Non, Tiểu Học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Giáo dục nghề nghiệp, Trung học & Cao đẳng.

  • Hệ thống quản lý trường học: Thúc đầy triển khai đồng bộ hệ thống quản lý trường học thông minh tại các trường. Đồng bộ về cơ sở dữ liệu của sở và thành phố.

4.4 Sở Y tế
  • Truy xuất nguồn gốc: Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm ngành y như (Thuốc, hóa chất, dược phẩm, thiết bị,...) được sản xuất ra tại địa phương và các sản phẩm lưu hành tại địa phương kết nối với cổng truy xuất nguồn gốc Quốc gia. Từ đó kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm mang lại giá trị cho điều trị bệnh nhân, giúp các bệnh viện kiểm soát tốt nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo không bị mua phải hàng giả hàng nhái kém chất lượng.

  • Pháp lý khám chữa bệnh và kê đơn thuốc từ xa: Thực hiện các thủ tục pháp lý để thúc đẩy việc khám, chuẩn đoán, chữa bệnh và kê đơn thuốc từ xa được thực hiện giúp phát hiện nhanh bệnh, chữa bệnh từ xa, giảm chi phí, giảm tải cho bệnh viện và giúp bệnh nhân được trao đổi với bác sỹ kịp thời.

  • Hệ thống khám, chuẩn đoán, chữa bệnh và kê đơn thuốc từ xa: Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và triển khai hệ thống khám, chuẩn đoán, chữa bệnh và kê đơn từ xa để sử dụng chung, kế thừa những hệ thống từ xa của Bộ Y tế.

  • Hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh: Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số.

  • Hồ sơ sức khoẻ cá nhân: Xây dựng và triển khai hệ thống hồ sơ sức khoẻ cá nhân theo mẫu hồ sơ sức khoẻ cá nhân do Bộ Y tế ban hành. Từ đó mỗi người dân sẽ được theo dõi sức khỏe thường xuyên và cảnh báo thời điểm cần khám lại hoặc thời điểm cần chăm sóc sức khỏe định kỳ. Từ đó dần hình thành hệ thống hỗ trợ mỗi người dân có thể được chăm sóc và theo dõi bởi các bác sỹ giúp người dân luôn có một cuộc sống tốt nhất, giảm thiểu bệnh tật.

  • Mạng kết nối mở y tế Hà Nội: Xây dựng cộng đồng hỗ trợ người dân trong việc khám, chữa bệnh; chia sẻ kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh với sự tham gia chủ động của ngành y tế, mặt khác ngành y tế cũng có một kênh thông tin đa chiều để thông báo, hướng dẫn cư dân Thủ đô các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đối phó với các khủng hoảng y tế, đồng thời nắm bắt các biểu hiện dịch bệnh theo thời gian thực. Mặt khác, thông qua mạng y tế, Thành phố có thể nắm chắc được các nguồn lực hiện có trong Thành phố và điều hành việc tập trung các nguồn lực nhằm ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thế xảy ra.

  • Hệ thống MOOCS: Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOCS) cho tất cả người dân nâng cao khả năng tự chăm sóc sức khỏe bản thân, tự phòng ngừa hoặc phát hiện và điều trị một số bệnh đơn giản. Cũng cung cấp các khóa cho cán bộ, y, bác sỹ các cách chăm sóc sức khỏe bệnh nhân một cách tốt nhất, các phương pháp chữa bệnh hiệu quả để từ đó nâng cao trình độ khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân của toàn ngành.

  • Phát triển một Hệ tri thức mở: Với sự tham gia đóng góp của đội ngũ y, bác sỹ, giáo viên ngành y, các nhà trí thức. Hệ tri thức này là cơ sở để triển khai trí thức suốt đời cho mọi cư dân Thủ đô bao gồm cả học sinh phổ thông các cấp, y, bác sỹ, các nhà quản lý lĩnh vực Y tế. Qua Hệ tri thức mở mọi ngưởi có thể tìm kiếm các kiến thức cần thiết cho việc học tập và công việc của mình cũng như đóng góp ý kiến để hoàn thiện bản thân Hệ tri thức.

  • Bệnh viện thông minh: Ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, quản lý hồ sơ cán bộ, quản lý tài sản, hồ sơ bệnh án điện tử (EMR: Electronic Medical Record), hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR: Electronic Health Record), hồ sơ sức khỏe cá nhân (PHR: Personal Health Record), phần mềm Quản lý Phòng khám (MPMS/ PMS: Medical Practice Management Software), hệ thống quản lý và điều hành bệnh viện (HIS: Hospital Information System), hệ thống quản lý thông tin phòng sét nghiệm(LIS/LIMS: Laboratory Information System/Laboratory Information Management System), hệ thống thông tin chuẩn đoán hình ảnh (RIS: Radiology Information System), hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS/Mini-PACS: Picture Archiving and Communication System), hình thành các bệnh viện thông minh. Các công nghệ cần áp dụng sớm như QRCode, thẻ CCCD gắn chíp điện tử, VneID. Từ đó có thể thành lập các Kiosk tự phục vụ.

4.5 Sở giao thông Vận tải
  • Hệ thống kết nối vận tải: Phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận để phát triển thành một hệ thống cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện tối ưu để vận chuyển hàng hóa và các kho bãi chính xác cũng như hỗ trợ việc đóng gói và hỗ trợ đăng ký, hoàn thiện các quá trình xử lý các thủ tục liên quan. Các nhà giao vận có thể tìm được các khách hàng của mình tối ưu quá trình vận chuyển.

  • Xây dựng các hệ thống phần mềm chuyên ngành: Chuyển đổi việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện, cho phép quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số, đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số, cấp và quản lý giấy phép người điều khiển phương tiện số, triển khai giải pháp kiểm soát ra/vào tại Nhà ga đường sắt, triển khai hệ thống giám sát thi cử, sát hạch lái xe, triển khai các hệ thống giám sát đăng kiểm.

  • Thanh toán không tiền mặt: Mỗi tuyến giao thông đường bộ cao tốc đều được triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh. Triển khai thu phí điện tử tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt. Mỗi phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ. Giảm chi phí dịch vụ giao nhận - kho vận và xây dựng được chuỗi cung ứng giao nhận - kho vận làm chủ bởi doanh nghiệp Việt Nam.

  • Hệ thống thiết bị thông minh IoT: Tất cả các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông, đô thị, xây dựng phải có nội dung nghiên cứu, phân tích để xem xét, bổ sung hạng mục ứng dụng, kết nối mạng IoT, tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số. Các nội dung phát triển hạ tầng IoT phải bảo đảm hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng chung, tránh đầu tư trùng lặp.

  • Các dịch vụ giao thông công cộng xanh bảo vệ môi trường: Thúc đẩy mạnh mẽ người dân tham gia giao thông thông qua các dịch vụ công cộng như xe buýt điện, tàu điện, xe đạp công cộng,...

  • Hệ thống giao thông thông minh ITS: Phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ giúp quản lý vận hành giao thông được nhanh tróng kịp thời, giảm thiểu tại nạn giao thông, xử lý nhanh các tai nạn giao thông, bảo dưỡng bảo trì các công trình giao thông có được tuổi thọ lâu bền.

4.6 Sở Lao động TB - XH
  • Đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo/cận nghèo, người có công: Thực hiện đăng ký hưởng chế độ, duyệt danh sách hưởng, chi trả hoàn toàn thông qua các hệ thống trực tuyến và giao dịch trực tuyến, xây dựng các hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo/cận nghèo, người có công, các trung tâm bảo trợ xã hội, quản lý cơ sở dữ liệu GEN của các liệt sỹ, cơ sở dữ liệu liệt sỹ.

  • Đối với bảo vệ trẻ em: Xây dựng các tổng đài trực tuyến tiếp nhận những phản ánh về quyền trẻ em bị xâm phạm để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ.

  • Đối với lĩnh vực việc làm: Triển khai tập trung các hệ thống quản lý bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động nước ngoài tại việt nam, sàn giao dịch việc làm, cung cầu lao động,...

  • Đối với lĩnh vực lao động ngoài nước: Triển khai tập trung các hệ thống quản lý lao động đang làm thủ tục xét tuyển, đủ điều kiện xét tuyển, đã đi lao động nước ngoài, đã trở về việt nam, quản lý các công ty xuất khẩu lao động, các hệ thống hỗ trợ thi sát hạch để tuyển chọn lao động, xây dựng các hệ thống quản lý công ty đối tác nước ngoài,.

  • Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Triển khai hệ thống thông tin quản lý trường dậy nghề, các hệ thống tào đạo trực tuyến mô phỏng thực tại ảo cho các ngành nghề quan trọng, quản lý lao động học nghề, đội ngũ giảng viên, giáo trình đào tạo, đầu ra cho lao động, quản lý các nguồn vốn ODA, ADB đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nghề.

  • Đối với lĩnh vực an toàn lao động: Quản lý kiểm định viên, quản lý các trung tâm kiểm định và các công ty kiểm định, quản lý các thiết bị được kiểm định, quản lý điều kiện an toàn lao động, môi trường làm việc của lao động.

  • Đối với lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội: Quản lý các trung tâm cai nghiện, các đối tượng đang được cai nghiện, tái nghiện, hòa nhập với cộng đồng, quản lý các đối tượng mại dâm, các trung tâm giáo dưỡng, phục hồi nhân phẩm

4.7 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Truy xuất nguồn gốc: Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ra trong chuỗi cung ứng và lưu hành tại địa phương kết nối với cổng truy xuất nguồn gốc Quốc gia. Từ đó kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm mang tính chất cạnh tranh cao.

  • Nông nghiệp công nghệ cao: Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

  • Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

  • Các hệ thống phục vụ công tác quản lý: Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý để có các chính sách, cơ chế điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.

  • Sàn giao dịch nông nghiệp điện tử: Tích hợp giữa sản xuất và lưu thông dựa trên hệ thống chợ thương mại điện tử, chợ thông minh và các ứng dụng logistic. Áp dụng các phương thức thanh toán thông minh dựa trên các công nghệ như: thanh toán thẻ, ví điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt.

4.8 Sở Khoa học và Công nghệ
  • Truy xuất nguồn gốc: Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho toàn bộ các sản phẩm hàng hóa được sản xuất ra trong chuỗi cung ứng và lưu hành tại địa phương kết nối với cổng truy xuất nguồn gốc Quốc gia. Từ đó kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm mang tính chất cạnh tranh cao.

  • Sàn giao dịch công nghệ trực tuyến: Xây dựng sàn giao dịch các sản phẩm khoa học công nghệ từ ý tưởng cho đến sản phẩm, các bằng sáng chế, các công thức,. giúp các nhà khoa học, các trường đại học có thể tiếp cận được các nhà đầu tư để đưa sản phẩm ra thị trường

  • Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: Hỗ trợ kinh phí, vật chất cũng như con người để thực hiện các đề tài ứng dụng sáng tạo giúp cho các doanh nghiệp cải tiến được chất lượng sản phẩm, cải tiến thời gian, quy trình sản xuất cũng như quy trình bán hàng,.

4.9 Sở Tài nguyên và Môi trường
  • Xây dựng các CSDL Chuyên ngành: Triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn (cơ sở dữ liệu về: đất đai; nền địa lý quốc gia; quan trắc tài nguyên và môi trường; đa dạng sinh học; nguồn thải; viễn thám; biển và hải đảo; biến đổi khí hậu; khí tượng - thủy văn; địa chất - khoáng sản;.) nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.

  • Xây dựng sàn giao dịch điện tử đất đai: thực hiện cung cấp giải pháp về sàn giao dịch để việc quản lý đất đai và các thông tin trên sàn được nhất quán minh bạch.

  • Quản lý tài sản đất đai thông qua CSDLQG về DC, VneID: Quản lý thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất thông qua CSDLQG về DC, VNeID theo chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP Trung ương.

4.10 Lĩnh vực an ninh, trật tự
  • Tố giác tội phạm: Triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VneID

  • Báo động tập trung: Triển khai hệ thống báo động tập trung để bảo vệ các mục tiêu quan trọng của thành phố như các cơ quan công quyền, các ngân hàng, khách sạn,. giúp kịp thời xử lý khi có tình hình mất trật tự xảy ra.

  • Camera an ninh: Triển khai hệ thống camera tại các khu vực trọng điểm giúp quá trình điều tra các vụ án một cách dễ dàng, phát hiện sớm các sự việc gây mất an ninh trật tự.

  • Xây dựng các CSDL Chuyên ngành: Triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn (cơ sở dữ liệu về: hộ tịch, lao động xã hội, các tổ chức hội, đoàn thể, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tội phạm hình sự, xuất nhập cảnh, phòng cháy và chữa cháy, tệ nạn xã hội,...) nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực an ninh, trật tự.

4.11 Sở Du lịch
  • Thúc đẩy hỗ trợ phát triển các dịch vụ xanh như xe đạp công cộng, xe buýt điện, tàu điện, cây nước tự động,... để thành phố trở thành xanh thân thiện với khách du lịch.

  • Xây dựng các hệ thống giám sát an ninh, an toàn thông minh từ xa, trung tâm thông tin và điều hành du lịch tại tất cả các điểm đến du lịch, bảo đảm hỗ trợ du khách 24/7 trong mọi trường hợp cần sự trợ giúp, khẩn cấp.

  • Phát triển du lịch, gắn với phát triển đặc sản vùng miền hỗ trợ người dân ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh xác thực điện tử trong phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế số.

  • Xây dựng Cổng thông tin du lịch thành phố; phân tích tình hình du lịch thông qua lưu trú, các giải pháp nhằm kịp thời giới thiệu, thông báo cho mọi khách du lịch khi đặt chân đến và rời đi khỏi thành phố, khuyến khích các khu, điểm du lịch cung cấp các dịch vụ.

  • Lắp đặt hệ thống Internet không dây (Wifi) miễn phí cho tất cả khách du lịch tại các điểm công cộng như bến xe buýt, bến xe đạp, ga tàu điện, các khu du lịch, các trung tâm vui chơi giải trí; chuẩn hóa nội dung điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm cung cấp những thông tin tốt nhất đến với khách du lịch; xây dựng các ứng dụng hỗ trợ khách du lịch, ứng dụng công nghệ thực tế ảo, công nghệ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới khác nhằm đưa đến những dịch vụ tốt nhất về trải nghiệm, tiện dụng, tăng giá trị và sức hấp dẫn đối với khách du lịch cũng như các điểm đến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng thanh toán trực tuyến (qua ví, thẻ ngân hàng trực tuyến, QR Code.) ở tất cả các điểm đến du lịch.

  • Xây dựng và triển khai giải pháp du lịch qua hình ảnh đối với những di tích lịch sử quan trọng của thành phố, qua đó cung cấp những thông tin chính thống đối với lịch sử, văn hóa và con người thủ đô.

  • Điện tử hóa số hóa hoàn toàn công tác quản lý liên quan đến du lịch (các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên, công ty khai thác du lịch...).

4.12 Sở Tư pháp
  • Triển khai hệ thống công chứng online tại các cơ quan thực hiện chứng thực công chứng, tổ chức hành nghề công chứng, Văn phòng thừa phát lại giúp người dân giảm thiểu đi lại, giảm thời gian xử lý.

  • Hoàn thiện được hệ thống thông tin lý lịch tư pháp công dân trên VNelD

5. Kết luận

Triển khai thành công Đề án Chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh Thành phố Hà Nội là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các đối tượng tham gia, mà trọng tâm là người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện trên môi trường số, nâng cao chất lượng cuộc sống và xu thế phát triển của thời đại công nghiệp 4.0; nhằm hướng đến mục tiêu chung xây dựng Thủ Đô Hà Nội phát triển bền vững xứng đáng là lá cờ đầu của đất nước./.

Tài liệu tham khảo

Chương trình chuyển đổi sổ thành phổ hà nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định số 4098/QĐ-UBND ngày 06 tháng 09 năm 2021 của UBND thành phố Hà Nội

Một số tài liệu sưu tầm internet

 

 

Ths. Đỗ Bá Dân 
Chủ Tịch Tập Đoàn Trí Nam

Mới nhất
Cập nhật: 14:55 - 20 / 09 / 2024

Trí Nam vừa công bố hợp tác với Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đánh dấu bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường. Việc áp dụng hệ thống đào tạo trực tuyến của Trí Nam sẽ giúp đội...

Cập nhật: 16:10 - 19 / 09 / 2024

Trí Nam và Mobifone vừa chính thức hợp tác để triển khai nền tảng Giáo dục số. Sự kết hợp này không chỉ mở ra cơ hội học tập phong phú mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong cộng đồng. Với...

Cập nhật: 15:27 - 18 / 09 / 2024

Ngày 18/9, ngân hàng Eximbank quyết định hợp tác với Tập đoàn Trí Nam để triển khai hệ thống quản lý đào tạo và đào tạo trực tuyến (LMS & E-learning). Sự hợp tác này không những khẳng định năng lực...

Cập nhật: 16:47 - 11 / 09 / 2024

Sau tròn 40 ngày khởi động dự án, buổi Golive chính thức của hệ thống E-learning đã được tổ chức vào sáng nay, ngày 11/9/2024, dưới hình thức trực tuyến. Sự kiện GoLive không chỉ đơn thuần là buổi ra...

Cập nhật: 08:12 - 29 / 08 / 2024

Kính gửi Quý Khách hàng. Tập đoàn Trí Nam xin kính gửi Quý khách thông báo lịch nghỉ lễ 2/9/2024 của chúng tôi như sau:

Cập nhật: 16:21 - 28 / 08 / 2024

Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ cùng nhau phát triển chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học theo phương thức E-Learning, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm mang đến những trải nghiệm giáo dục...

Cập nhật: 17:17 - 27 / 08 / 2024

Vào năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, ĐHQGHN đối mặt với thách thức chưa từng có: làm thế nào để duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh không thể tổ chức các lớp học...

Cập nhật: 16:21 - 23 / 08 / 2024

Sự hợp tác giữa Trí Nam và Hòa Phát đã tạo nên một cuộc thi ý nghĩa, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết và nâng cao kiến thức cho toàn thể nhân viên.

Cập nhật: 13:46 - 02 / 08 / 2024

Với việc ứng dụng TN - Elearning, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Tam Chúc hứa hẹn sẽ có những biến chuyển ngoạn mục, giúp tối ưu hóa quy trình đào tạo, nâng cao hiệu quả và hỗ trợ tối đa cho sự phát...

Cập nhật: 13:53 - 23 / 07 / 2024

Tập đoàn Trí Nam xin chân thành chúc mừng Công ty Cổ phần Sữa quốc tế IDP chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Sữa quốc tế LOF. Đây là một bước tiến quan trọng và đầy ý nghĩa, đánh dấu sự phát...